Góa phụ Mary xứ Teck

Vương thái hậu Mary.

Ngày 20 tháng 1 năm 1936, George V băng hà[27]. Con trai cả của Quốc vương và Vương hậu, Edward, Thân vương xứ Wales, đã lên ngôi với vương hiệu [Edward VIII]. Với tư cách là Vương hậu của Tiên vương, mẹ ruột của Tân vương, Mary được gọi là [Dowager Queen]; tức Vương Thái hậu. Tuy nhiên bà chỉ đơn giản gọi là [Her Majesty Queen Mary].

Cùng năm, Edward VIII gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi thông báo rằng mình muốn kết hôn với tình nhân đã hai lần ly dị của ông, bà Wallis Simpson. Sau khi nhận được lời khuyên từ Thủ tướng Stanley Baldwin, ông đã thoái vị để kết hôn với Simpson. Mặc dù luôn ủng hộ con trai mình, Thái hậu Mary không thể hiểu được tại sao Edward lại từ bỏ bê nhiệm vụ vương thất của mình chỉ vì lợi ích của những cảm xúc cá nhân[28]. Bà Simpson đã chủ động đến trình diện trước mặt Quốc vương và Thái hậu, tuy nhiên Thái hậu Mary thẳng thừng từ chối cuộc gặp này, và từ đó bà không bao giờ gặp Simpson trong bất kì trường hợp nào, kể cả riêng tư[29]. Vương tử Albert, Công tước xứ York, em trai của Edward VIII giờ đây sẽ là người kế vị ngai vàng.

Thái hậu Mary xem đó như là nhiệm vụ của mình khi động viên tinh thần cho người con trai thứ hai của bà, Albert. Ông lấy niên hiệu là [George VI]. Bà đã trở thành vị Thái hậu đầu tiên trong lịch sử Anh tham dự một buổi lễ đăng quang của tân vương khi bà có mặt tại lễ đăng quang của George VI, vì theo phong tục thì những ai đã được làm lễ trao vương miện và nhận sự chúc phúc của Chúa (ở đây là Mary) không phải tham dự lễ đăng quang của ai khác nữa[14][30]. Về sự thoái vị của Edward, dù không làm suy giảm tình yêu của Thái hậu Mary dành cho đứa con của mình, song đến cuối đời bà vẫn luôn dày vò Edward vì hành động này. Bên cạnh đó, Thái hậu Mary cũng rất quan tâm đến việc nuôi dạy các cháu của mình là Vương nữ ElizabethVương nữ Margaret, và dẫn các cháu bà đi du ngoạn khắp Thủ đô London, từ các phòng trưng bày nghệ thuật đến các viện bảo tàng[31].

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Quốc vương George VI mong muốn mẹ ông rời khỏi London để được an toàn. Dù không thích, bà đã quyết định sống ở dinh thự Badminton, Hạt Gloucestershire, cùng với cháu gái Mary Somerset, Bà Công tước xứ Beaufort, con gái của em trai bà,Adolphus Cambridge, Hầu tước thứ nhất xứ Cambridge[32]. Đồ đạc cá nhân của bà bao gồm bảy mươi kiện hành lý và được vận chuyển từ London đến Gloucestershire. Số lượng người hầu của Thái hậu tổng cộng là năm mươi lăm người, được bố trí chỗ ở gần hết dinh thự, chỉ trừ các phòng riêng của Công tước và Bà Công tước xứ Beaufort. Bà ở đó cho đến sau chiến tranh. Một số người hầu phàn nàn về cách sắp xếp chỗ ở trong dinh thự, họ cho rằng dinh thự quá nhỏ[33], và Thái hậu Mary đã vô tình làm cháu gái mình bất mãn bằng việc ra lệnh dọn sạch cây Trường Xuân bám trên các bức tường vì bà cho rằng chúng không đẹp đẽ gì mà còn là mối nguy hiểm. Tại Badminton, để hỗ trợ nhân dân trong thời chiến, bà đến thăm các đoàn quân và các nhà máy và chỉ đạo việc thu thập phế liệu. Bà động viên tinh thần cho bất kỳ người lính nào bà bắt gặp trên đường[34]. Năm 1942, người con trai út của bà, Prince George, Công tước xứ Kent, thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay. Tháng 6 năm 1945, bà trở về dinh thự Marlborough, sau khi cuộc chiến ở châu Âu kết thúc với sự thất bại của Đức Quốc Xã.

Năm 1952, Quốc vương George VI băng hà, là người con thứ ba đã ra đi trước Thái hậu Mary. Cô cháu gái cả Elizabeth lên ngôi với niên hiệu [Elizabeth II]. Cái chết của con trai đã ảnh hưởng mạnh đến Thái hậu Mary, bà nói với Princess Marie Louise: "Ta đã mất đi ba người con trai, nhưng ta chưa bao giờ có thể được có mặt ở đó để nói những lời từ biệt cuối cùng với chúng!"[35][36]. Thái hậu Mary qua đời một năm sau đó vào ngày 24 tháng 3 năm 1953, thọ 85 tuổi, chỉ mười tuần trước lễ đăng quang của cháu gái bà, Elizabeth II. Nối tiếp bà, người con dâu là Thái hậu Elizabeth, trở thành vị Thái hậu thứ hai trong lịch sử nước Anh tham dự lễ đăng quang của một tân vương[37].